vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:
Tin mới đăng:

Tom & Jerry làm sống dậy tuổi thơ đẹp đẽ trong mỗi người

Tom & Jerry là một series phim hoạt hình của Mỹ được chiếu trên truyền hình và rạp hát với nhiều thể loại từ phim ngắn cho tới phim dài. Được sản xuất bởi William Hanna và Joseph Barbera cho hãng phim MGM, phim là cuộc đối đầu vô tận giữa chú mèo Tom và chú chuột thông minh Jerry mang tới vô vàn tiếng cười cho khán giả. Hanna và Barbera viết kịch bản đồng thời làm đạo diễn cho 114 tập phim Tom & Jerry tại xưởng phim MGM trong thời gian từ những năm 1940 cho tới năm 1957 (năm xưởng phim hoạt hình của hãng đóng cửa). Phiên bản gốc của Tom & Jerry đoạt giải Oscar cho thể loại phim hoạt hình ngắn 7 lần. Tom & Jerry có lượng khán giả đông đảo trên toàn thế giới với đủ mọi thành phần từ trẻ con cho tới thanh niên, người lớn và được công nhận là một trong những huyền thoại điện ảnh sống mãi trong lòng công chúng và lịch sử điện ảnh Mỹ. Năm 2000, tạp chí TIME công bố Tom & Jerry là một trong những show truyền hình hay nhất mọi thời đại.
Bắt đầu từ năm 1960, để tiếp tục thành công của 114 tập phim đầu, MGM đã giao quyền sản xuất cho Hãng phim Rembrandt được điểu hành bởi Gene Deith tại Bắc Âu. Sau đó đến năm 1963 bộ phim lại được giao cho một xưởng phim của Hollywood là Sob-Tower 12 của Chuck Jones. Loạt phim kết thúc vào năm 1967 nâng tổng số tập lên 161. Sau này để phục vụ cho các kênh phim hoạt hình, hai nhà sản xuất ban đầu là Hanna-Barbera tiếp tục sản xuất Tom & Jerry trong những năm 70 cho tới đầu năm 90. Và tiếp theo đó là hai bộ phim dài Tom & Jerry ra mắt khán giả là Tom and Jerry: The Movie vào năm 1993 và Tom & Jerry: the Masion Cat vào năm 2000. Tập phim Tom & Jerry mới nhất là tập The Karate Guard đã ra mắt lần đầu tại Los Angeles vào ngày 27/12/2005. Hiện nay, Time Warner giữ bản quyền sản xuất Tom & Jerry.

 

Nội dung

Loạt phim có nội dung về trận chiến bất tận giữa hai đối thủ truyền kiếp là một chú mèo nhà và một chú chuột. Mỗi tập phim đều tập trung vào mưu đồ bắt chú chuột Jerry của mèo Tom với vô vàn kế hoạch tinh vi. Điều thú vị là ít khi chú mèo Tom có ý định bắt giữ chú chuột Jerry để ăn thịt mà thường là do những mâu thuẫn, trách nhiệm "mèo là phải bắt chuột", Jerry ăn đồ ăn trong tủ lạnh khiến Tom bị mắng, trả thù hay Jerry cứu những con thú khác khỏi cạm bẫy của Tom như chú vịt, chú chim bạch yến, cá vàng... Thường thì Tom hiếm khi thành công trong việc bắt Jerry do chú chuột Jerry quá thông minh, nhanh lẹ và may mắn. Dù vậy trong suốt quá trình rượt đuổi, Tom và Jerry đã phát triển một mối quan hệ thân thiết không thể thiếu và ít thấy trong những loạt phim hoạt hình khác. Mặc dù nội dung của Tom và Jerry có thể xem là bạo lực khi có nhiều cảnh thân hình của Tom bị cắt khúc, đầu và thân mình bị kẹp dưới cửa sổ, cửa ra vào, đàn piano... cùng rất nhiều phương pháp sử dụng từ thuốc độc, bom mìn súng ống nhằm vào đối thủ thế nhưng bộ phim không có cảnh máu me nào cùng những hình ảnh được biến đổi hài hước mang lại cho Tom & Jerry một không khí gay cấn và vui vẻ.
Âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng trong những tập phim Tom & Jerry, đặc biệt là những cảnh hành động. Đạo diễn âm nhạc Scott Bradley đã tạo ra những điểm nhấn kết hợp giữa nhạc Jazz, nhạc cổ điển và nhạc pop để tạo nên sự thú vị cho một bộ phim khi hai nhận vật Tom & Jerry rất hiếm khi đối thoại, chỉ có các nhân vật phụ trong phim là có thể nói như bà chủ da đen béo, chú chuột người Pháp đáng yêu trong tập The Little Orphan, chó ngao Spike, anh chàng mèo Butch...Tom và Jerry trong suốt các tập phim chỉ thể hiện những âm thanh như tiếng cười, tiếng hét. Trước năm 1954, toàn bộ các tập phim được sản xuất dưới dạng chuẩn phim truyền hình thông thường. Sau đó vào năm 1954 và 1955, một số chuẩn phim khác được áp dụng và phim được sản xuất dưới chuẩn màn ảnh rộng dùng để chiếu trong rạp chiếu phim.

 

Nhân vật

Chuột Jerry

Mèo Tom và chuột Jerry

Tom, (trong tập đầu thì được gọi là Jasper) Ban đầu mèo Tom được gọi là Jasper tuy nhiên sau này được đổi tên. Tom là một chú mèo có màu lông xanh trắng và là dạng mèo lông ngắn, là chú mèo giữ nhà trong một gia đình bình thường có một cuộc sống khá nhàn hạ khi chỉ có việc là ngày ngày đuổi bắt Jerry. Jerry là một chú chuột nhà nhỏ màu nâu thường sống ở hang nằm sâu trong tường. Tom to lớn và khỏe mạnh hơn Jerry thế nhưng về độ tinh ranh và nhanh nhạy thì lại không bằng. Trong hầu hết các trận chiến, Tom chẳng bao giờ hại thành công chú chuột Jerry,thay vì tận số bắt được và Jerry cũng có sự giúp đỡ nhiều hơn cả. Chỉ có một số tập Tom và Jerry giảng hòa và trở thành bạn bè thân thiết. Dù cho ghét nhau và luôn tìm mọi cách để hãm hại đối phương thế nhưng khi Tom hoặc Jerry gặp phải tình huống thực sự nguy hiểm và bị đe dọa bởi một kẻ thứ 3 thì cả hai lại trở thành "ân nhân cứu mạng" của nhau. Tom cũng là một chú mèo khá đa tình. Mối tình đầu của Tom là nàng Toots, cô nàng mèo xuất hiện trong tập Puss n' Toots. Toots gọi yêu Tom là Tommy tuy nhiên sau này Tom lại đem lòng yêu một nàng mèo khác là Toodles Galore. Trong phim, rất nhiều nhân vật phụ trong có thể nói, thế nhưng hai nhân vật chính thì rất ít. Tom chết trong loạt phim tổng cộng 5 lần tuy nhiên lại được cứu sống.

Spike và Tyke

Spike và con trai, Tyke
Để bắt được Jerry, Tom thường xuyên gây hấn cũng như thỏa thuận cùng anh chàng chó ngao Spike, một chú chó dễ nổi giận và vô cùng bạo lực. Thế nhưng Spike lại rất thương chú chó con của mình là Tyke, một chú chó ngây thơ và đáng yêu. Những màn rượt đuổi của Tom và Jerry thường xuyên làm phiền giấc ngủ của Tyke. Ban đầu Spike không được đặt tên và cũng "câm". Sau này Spike có thể nói (lồng tiếng bởi Billy Bletcher và Daws Butler). Spike có bề ngoài to béo với những đặc điểm thường thấy của giống chó ngao là có hai má chảy xuống. Màu lông của Spike là xám và trắng kem. Tyke ra đời vào những năm cuối của thập kỷ 40, mỗi lần xuất hiện của hai bố con nhà Spike và Tyke đều là khi Spike đang có một công việc gì đó như xây nhà, ru con ngủ còn Tom và Jerry thì liên tục phá đám Spike. Spike nổi tiếng với câu mắng Tom "Listen Pussy Cat" (Nghe này con mèo kia) và câu "That's My Boy" (Đúng là con trai tôi) mỗi khi Tyke khiến Spike vui vẻ và muốn động viên con. Tyke lại là một hình mẫu trái ngược với cha mình, Tyke là một chú chó con vui vẻ, đáng yêu. Tyke không thể nói như cha mà chỉ có thể sủa ăng ẳng trong khi vẫy cái đuôi nhỏ một cách dễ thương dù cho Spike cũng từng cố gắng để dạy con trai "gầm gừ cho ra dáng một chú chó".

Butch

Butch
Butch là một chú mèo đen cũng thường xuyên có ý đồ ăn thịt Jerry. Butch là một đối thủ khác của Tom với tài sản giàu có và thường xuyên cạnh tranh Tom trong cuộc chiến giành giật nàng mèo Toodles Galore. Butch đôi khi cũng xuất hiện với vai trò thủ lĩnh nhóm mèo "du côn" giao hảo với Tom gồm Meathead và Topsy. Butch có thể xem là nhiều lời khi thường hay chế nhạo Tom và Jerry.

Toodles Galore

Toodles Galore
Toodles Galore là một nàng mèo trắng xinh đẹp và là người tình của Tom mặc dù là Tom có nhiều bạn gái khác trước và sau khi gặp Toodles. Toodles là người bạn gái duy nhất xuất hiện hơn 2 lần và cũng là người mà Tom yêu chuộng nhất. Có lần Tom đã phải tranh chấp 2 lần với Butch và với Spike/Killer để tranh giành sự ưu ái của Toodles và Tom thua cuộc. Trong đoạn Casanova Cat, Toodles lại đi yêu Tom. Nhưng trong đoạn cuối cùng mà Toodles tham gia, thì nàng ở lại với Jerry. Toodles được thể hiện giống con người nhất trong số các con vật trong phim ngoài trừ cái đuôi mèo, mắt mèo và lỗ tai mèo.

Lịch sử phát triển

Thời kỳ Hanna-Barbera (1940-1958)
Vào cuối thập kỷ 30, William Hanna và Joseph tham gia vào xưởng hoạt hình của MGM. Barbera giữ vai trò viết kịch bản và thiết kế nhân vật. Ông hợp tác cùng Hanna, một đạo diễn đầy kinh nghiệm để thực hiện một bộ phim về chú mèo đuổi chuột mang tên Puss Gets the Boot. Hoàn thành vào cuối năm 1939 chuẩn bị ra rạp vào ngày 10/3/1940, Puss Gets the Boot tập trung vào Jasper, một chú mèo xám đuổi chuột. Bà chủ nhà Mammy dọa sẽ đuổi Jasper ra khỏi nhà nếu chú mèo còn làm vỡ bất kỳ đồ đạc nào trong nhà nữa. Tuy nhiên sau đó Jasper lại khiến từ bát đĩa ly đến chén cốc tách trong nhà vỡ sạch. Bộ phim không thực sự phổ biến và thể loại phim mèo-chuột bị gạt bỏ sang một bên. Chỉ tới khi bộ phim được đề cử giải phim ngắn xuất sắc tại Oscar năm 1941 và để thua phim The Milky Way của đạo diễn Rudolph Ising thì nhà sản xuất Fred Quimby mới kéo Hanna và Barbera trở lại trong khi cả hai đang tham gia một dự án phim hoạt hình khác. Hanna và Barbara quyết định tổ chức một cuộc cá độ với tên mới của loạt phim. Họ lựa chọn tên cho loạt phim bằng cách bốc thăm. Họa sĩ hoạt hình John Carr là người chiến thắng 50 đô la khi chọn cái tên Tom & Jerry. Loạt phim Tom & Jerry đi vào sản xuất với tập phim đầu tiên The Midnight Snack vào năm 1941. Sau này Hanna và Barbera phụ trách làm loạt phim này và hiếm khi nhận thêm công việc nào khác tại MGM.
Bề ngoài của Tom đã thay đổi trong nhiều năm. Vào những năm 1940, Tom có nhiều chi tiết hơn hình ảnh hiện tại với bộ lông rậm, gương mặt nhiều nếp nhăn, đôi lông mày đen dày và hơi tròn trịa. Ban đầu Tom thường hay đi bằng 4 chân tuy nhiên càng về sau thì chi tiết này càng ít xuất hiện. Trái ngược lại, bề ngoài của Jerry ít thay đổi, Jerry nguyên thủy chỉ béo hơn Jerry hiện tại một chút. Vào giữa thập kỷ 40, những cảnh hành động trong phim bạo lực hơn và gay cấn hơn do ảnh hưởng của một số thành viên mới trong MGM là Tex Avery.
Mặc dù tập phim nào cũng lặp lại nội dung "mèo đuổi chuột" thế nhưng hai nhà làm phim Hanna và Barbera đã tìm ra được vô vàn nội dung và tình huống thú vị. 13 tập phim được đề cử giải Oscar cho Phim hoạt hình ngắn trong đó 7 tập đoạt giải, ngang hàng với Silly Simphone của Disney. Đây cũng là một trong những hoạt hình ngắn giành nhiều giải Oscar nhất.
Thời kỳ Gene Deitch (1960–1962)
Vào năm 1960, MGM tiếp tục làm lại loạt phim Tom & Jerry, hãng liên hệ với một xưởng phim Châu Âu tên là Rembrandt Films để sản xuất 13 tập phim. Toàn bộ 13 tập này được đạo diễn bởi Gene Deitch. Dù là đạo diễn của loạt phim này thế nhưng Gene Deitch cho biết ông cũng bị chỉ trích bởi một số nhà làm phim không tán thành loạt phim Tom & Jerry. Ông cho biết bộ phim bị xem là có quá nhiều cảnh bạo lực trong đó các nhân vật tỏ ra vô cảm, phim lấy nỗi đau làm trò đùa, phim tràn ngập những màn tấn công và báo thù cùng việc đề cập tới một phụ nữ da đen khu dân cư nghèo ghét động vật gặm nhấm (vẫn là vấn đề nhạy cảm thời bấy giờ). Bên cạnh đó, 13 tập phim do Gene đạo diễn cũng bị chỉ trích khi không đạt được chất lượng của loạt phim cũ, âm thanh bị chê, các tình huống trong phim cũng thiếu hấp dẫn khi nhấn mạnh vào sự ngốc nghếch của Tom. Dù vậy thì loạt phim vẫn thành công về mặt doanh thu do sự nổi tiếng của loạt phim cũ. Năm 1961, Tom & Jerry trở thành loạt phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Thời kỳ Chuck Jones (1963–1967)
Sau 3 năm, Tom & Jerry trở lại tay các nhà làm phim Mỹ. Chuck Jones người có thâm niên hơn 30 năm tại Warner Bros bị sa thải và tự mình mở một xưởng phim hoạt hình mang tên Sib Tower 12 Productions. Từ năm 1963, Chuck Jones và Les Goldman bắt tay vào làm 34 tập Tom & Jerry với sự cải tiến về hình ảnh khi Tom có bộ lông mỏng và mịn hơn, lông mày dài hơn còn Jerry thì có đôi mắt được cải tiến to hơn trước. Màu sắc trong loạt phim mới cũng tươi sáng hơn cũ. Tuy nhiên sau đó 4 năm vào năm 1967 loạt phim cũng bị ngưng sản xuất.
Thời kỳ sau này
Bắt đầu từ năm 1965, Tom & Jerry bắt đầu lên sóng truyền hình. Đến năm 1975, Tom & Jerry lại về tay Hanna và Barbera và Jerry có thêm chiếc nơ đỏ. Cả hai không còn là kẻ thù mà trở thành hai người bạn đồng hành trong những chuyến phiêu lưu. Đến năm 1990, Tom and Jerry Kids xuất hiện với hình tượng mèo Tom và Jerry bé hơn xưa. Đến năm 2000, bộ phim dài Tom and Jerry: The Mansion Cat được ra mắt và sau đó 5 năm, tập phim The Karate Guard đến với khán giả khi Barbera vừa là biên kịch vừa là đạo diễn. Đầu năm 2006, phần đầu của Tom and Jerry Tales được sản xuất tuy nhiên không thực sự thành công và bị ngưng sản xuất vào tháng 3/2008.
Tom & Jerry đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được chiếu trên đài truyền hình của nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 1964, Tom & Jerry bắt đầu lên sóng truyền hình Nhật còn ở Đức thì loạt phim là một serie phim được yêu thích. Tại khắp các quốc gia trên thế giới, Tom & Jerry là một món ăn không thể thiếu và cho đến ngày nay vẫn được chiếu đi chiếu lại trên sóng truyền hình.

Tranh cãi

Giống một số phim hoạt hình thời kì những năm 1930 đến 1960. Tom & Jerry có đặc trưng về nạn phân biệt chủng tộc. Sau một số vụ việc ồn ào như hình ảnh nhân vật da cháy đen, đôi môi lớn, cột tóc xoăn.
Có lẽ tranh cãi nhiều nhất là nhân vật Mammy Two Shoes, nhân vật giúp việc da màu trong phim cũng là người có giọng lồng bởi một người da màu và luôn gặp rắc rối với con chuột. Joseph Barbera là người chịu trách nhiệm cho các cảnh vui trong phim đã lên tiếng nói rằng những cảnh đó không hề có ý phân biệt chủng tộc, họ chỉ nhắm đến vấn đề đang nóng trong xã hội và những cảnh như thế là rất hài hước.
Tuy nhiên đến giờ nhiều người vẫn cho rằng đó là nạn phân biệt chủng tộc và những cảnh nhân vật với gương mặt đen đặc trưng của người da màu bị kiểm duyệt khi chiếu trên truyền hình. Dù vậy ngày 25 tháng 7 năm 2012, một cảnh này vẫn xuất hiện trong tập phim Mouse in Manhattan phát sóng trên Cartoon Network chưa hề bị cắt. Giọng của Mammy Two Shoes cũng được lồng tiếng lại vào những năm 1990 để không có giọng đặc trưng của người da màu mà thay bằng giọng người Ireland.
Một tập phim đặc biệt His Mouse Friday thường được cắt khi chiếu trên truyền hình vì có sự xuất hiện của bộ tộc ăn thịt người. Nếu vẫn chiếu thì thường giọng của bọn ăn thịt người bị cắt bỏ dù miệng vẫn mấp máy.
Đến năm 2011, những tập phim có Mammy Two Shoes thường được cắt bỏ (trừ tập Part Time Pal) khi chiếu trên Cartoon Network và Boomerang.
Năm 2006, kênh Boomerang của Anh Quốc đã chỉnh sửa loạt hoạt hình ngắn này khi công chiếu tại nơi đây, nơi mà cảnh hút thuốc của các nhân vật bị dung túng, tán dương. Bắt nguồn từ việc sau một khiếu nại từ người xem người nghĩ rằng hút thuốc lá là sai và rằng phim hoạt không hợp với trẻ em. Có một cuộc điều tra sau đó của cơ quan giám sát phương tiện truyền thông Anh Ofcom. Nó cũng đưa ra những biện pháp của Mỹ về việc cắt bỏ những cảnh bị cho là phân biệt chủng tộc. Có vẻ là ngẫu nhiên nhưng mấy cảnh kiểu này thường không có trên phim.
Trong năm 2013, có một báo cáo từ Cartoon Network của Brazil kiểm duyệt 27 tập phim ngắn trên các căn cứ của việc "không dính líu về mặt chính trị". Trong một thông cáo chính thức, kênh thể khẳng định rằng kiểm duyệt chỉ có 2 tập ngắn là gán mác dành cho trẻ em 7-11 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Sâu Ciu Blog